Một gốc ớt cho thu hoạch 5-6 kg, mỗi quả nặng trung bình hơn 300gr, thậm chí tới 500gr, lớn hơn bất cứ loại ớt nào đang được trồng tại Đà Lạt.
Anh Nguyễn Định, ngụ phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, trước đây anh làm cho một công ty kinh doanh phân phối thuốc bảo vệ thực vật, bản thân anh cũng thường xuyên tiếp xúc với công việc của nhà vườn. Trong một lần tình cờ đi tham quan anh thấy người ta trồng loại ớt chuông có kích thước to khác những loại thông thường.
Khoảng một năm trước, anh Định quyết định rời công ty về nhà đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng 3.500m2 nhà kính hiện đại. Gần đây anh đã liên hệ mua được giống ớtBullhorn(ớt sừng bò) có nguồn gốc từ Hà Lan về gieo trồng thử nghiệm trên khu đất 500m2.
"Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta thường sử dụng ớt chuông để chế biến các món ăn, làm nước uống giống như các loại sinh tố trái cây để làm đẹp da và giảm cân", anh Định nói và cho biết, quy trình gieo trồng, chăm sóc loại ớt này tương đối giống ớt chuông mà người nông dân ở Đà Lạt thường trồng. Khi ớt phát triển cao thì cắm cọc, dùng dây làm điểm tựa cho cây phát triển, nhất là tránh bị gãy đổ bởi trọng lượng lớn từ quả ớt treo lơ lửng. Sau khoảng 3 tháng chăm sóc, ớt bắt đầu cho thu hoạch với các màu vàng và màu tím.
Hiện vườn ớt sừng bò nhà anh Định đã cho thu hoạch được một tháng với sản lượng khoảng 700kg. Qua quá trình chăm sóc, thu hoạch, anh Định cho biết loại ớt này cho năng suất từ 5 đến 6kg một gốc, cao hơn loại ớt thường chỉ 3-4kg mỗi gốc, trọng lượng từng quả cũng nặng hơn. Anh Định từng thu hoạch những quả nặng tới 500gr, còn trung bình mỗi quả nặng khoảng 300gr. Ngoài ra, giống ớt nhập ngoại này có ưu điểm dễ đậu quả, kháng bệnh tốt hơn.
Theo anh Định, trên diện tích 1.000m2 ớt sừng bò có thể trồng được 4.000 cây, thu hoạch trong vòng một năm thì năng suất có thể đạt trên dưới 20 tấn quả. Với giá thị trường hiện tại trung bình 30.000 đồng một kg (ớt chuông từ 18.000 đến 20.000 đồng một kg) thì người dân thu về khoảng 600 triệu đồng mỗi năm.
"Tại Đà Lạt hiện chưa thấy loại ớt này trồng đại trà, tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều nhà vườn có thể đưa giống này về trồng để tăng năng suất, thu nhập", anh Định chia sẻ.