Chi tiết

Lỗi do ai?

Lỗi do ai?
Tại đồng bằng sông Cửu Long đang rộ lên chuyện các doanh nghiệp hợp tác với nông dân làm cánh đồng mẫu. Không ít trong số đó là các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đáng lo ngại là cùng lúc này, lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương và Cục BVTV liên tiếp đưa ra thông điệp báo động về tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV!

Tại đồng bằng sông Cửu Long đang rộ lên chuyện các doanh nghiệp hợp tác với nông dân làm cánh đồng mẫu. Không ít trong số đó là các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đáng lo ngại là cùng lúc này, lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương và Cục BVTV liên tiếp đưa ra thông điệp báo động về tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV! 


Việc phun thuốc diệt rầy nâu không đúng thời điểm dẫn đến nhiều nguy hại.

    Chướng mắt vì quảng cáo thuốc BVTV!

“Cây lúa sau khi gieo sạ xuống ruộng lại lên lá trắng, chúng tôi không giải thích được. Truy tìm nguyên nhân thì ra do nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ cho hạt giống. Nói nôm na là dùng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm”, một lãnh đạo Cục BVTV đưa ra một điển hình về tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hiện nay của nông dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV của nông dân hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhiều người tưởng rằng nông dân sẽ dễ tiếp cận được các công thức tiên tiến để sử dụng thuốc một cách khoa học. Trái lại, sự lấn át quảng cáo bằng nhiều hình thức của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV trên các kênh truyền hình là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sự lạm dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng.

“Thuốc BVTV quảng cáo quá nhiều trên các đài và địa bàn nông thôn, nông dân lạm dụng sử dụng tăng chi phí và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều loại vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng” - ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, than thở.

Thời gian qua, dư luận rất bức xúc về chuyện một số thuốc BVTV được quảng cáo quá mức, không đúng quy định, có cảm giác như khuyến khích sử dụng thuốc BVTV. Thậm chí một số đài truyền hình quay hình, thu âm nông dân đặt câu hỏi cho chuyên gia trả lời nhưng cố ý hỏi về thuốc của nhà tài trợ (!?). Nhiều đài truyền hình mở mục “Nhịp cầu nhà nông”, “Bạn nhà nông” mời các cán bộ, chuyên gia lĩnh vực này nói chuyện, tư vấn cho nông dân. Tuy nhiên hầu hết chương trình do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tài trợ có kèm quảng cáo. Chính vì vậy, “Chúng tôi chẳng hiểu nổi chuyện một nhà khoa học có tiếng tăm lại thản nhiên cầm một sản phẩm thuốc BVTV để quảng cáo cho doanh nghiệp trong một chương trình tạm gọi là Nhịp cầu nhà nông gì đó” - một nhà khoa học bức xúc. Ngay Cục BVTV cũng thấy “chướng mắt” về các chương trình tưởng rằng là khoa giáo nhưng thực chất là quảng cáo thuốc nên đã có chỉ thị cấm cán bộ, chuyên gia ngành mình tham gia các chương trình tư vấn trên báo chí, phát thanh, truyền hình... liên quan đến quảng cáo thuốc của các doanh nghiệp thuốc BVTV.

    Không chỉ cấm người nhà

Hệ lụy của các chương trình trên là gì? Nông dân vô tư lạm dụng thuốc BVTV, dẫn đến sâu bệnh tăng. “Như vừa qua, nông dân phun thuốc không đúng liều lượng và thời gian làm sâu cuốn lá nhỏ tăng lên hàng chục ngàn hécta. Sâu ăn trắng lá rồi mới phun thuốc, phun thuốc kiểu này chỉ diệt thiên địch. Sau đó, rầy nâu bùng phát. Rầy bay ra đầy đường vào ban đêm, nhiều đoạn đường xe chạy không được” - một lãnh đạo Cục BVTV chua xót nói. Báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta sử dụng 15.000 - 25.000 tấn thuốc BVTV. Gần 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp đều có sử dụng thuốc BVTV, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng. Ước tính trên 1.000 chủng loại thuốc BVTV có độc tính cao đang được sử dụng trên đồng ruộng. Các hóa chất BVTV hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý. “Tình trạng lạm dụng, sử dụng sai liều lượng, thời điểm thuốc BVTV đã đến mức báo động. Việc hàng năm nhập một lượng thuốc BVTV quá lớn cũng không tốt” - GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận định. Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, điều trớ trêu là “không có tiền để nghiên cứu các đề tài về BVTV hay các nghiên cứu về mảng này còn quá ít”.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, trong đó có nguyên nhân lạm dụng thuốc BVTV. Khó trách nông dân, khi mà mạng lưới khuyến nông còn yếu, chưa làm hết trách nhiệm để nông dân thông suốt trong xử lý thuốc BVTV. Nguy cơ lạm dụng thuốc BVTV vẫn tiếp tục gia tăng. Bởi hiện nay nông dân ĐBSCL gần như sản xuất quanh năm. Trong đó, các tỉnh trong vùng có kế hoạch tiếp tục gia tăng diện tích lúa vụ 3 trong mùa lũ lên hơn 800.000ha (tăng gần 200.000ha so với những năm trước). Điều này đồng nghĩa với việc có thêm khoảng 200.000ha sử dụng thuốc BVTV, và mất gần 200.000ha đất có thể được gột rửa dư lượng thuốc BVTV tồn đọng trên đất thông qua nước lũ!

“Các doanh nghiệp có nhiều cách tiếp cận quảng cáo. Nông dân lạm dụng ngay cả phun thuốc theo phác đồ của doanh nghiệp” - ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, nhận định. Những nguyên nhân khiến nông dân lạm dụng thuốc BVTV ẩn chứa những hệ lụy khó lường: Ô nhiễm môi trường; dư lượng thuốc BVTV còn trên sản phẩm nên bị phát hiện sẽ khó tiêu thụ ở thị trường nước ngoài; nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khó tránh khỏi. Hiện tại tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đã dẫn đến kháng thuốc đối với một số cỏ dại.

Người ta đang chờ đợi một phản ứng bài bản hơn của Cục BVTV, và của cả ngành nông nghiệp như ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát với UBTVQH tại phiên họp vừa qua, thay vì chỉ cấm “người nhà” xuất hiện quảng cáo trên các chương trình truyền hình!

CÔNG TY TNHH SIBA
97 Đường 41 Phú Định - P16 - Q8 - TPHCM
ĐT: (028) 38.767.747 

Email: sibacom2006@gmail.com

Website: www.phanbonsiba.com 

Website: www.phanbonla.com.vn

Thống Kê Truy Cập

Đang onlineĐang online: 1

Trong ngàyTrong ngày:

Truy cập thángTruy cập tháng:

Tổng truy cậpTổng truy cập: 2000000

Đặt hàng